0967.001.001 info@goldlandvietnam.com

Tin tức - 18/04/2022

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022.

Sáng ngày 05/4/2022, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP Quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,66%, năm 2021 tăng 4,72%), đáng chú ý khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021. Qua đó, tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong Quý II và cả năm 2022.

Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong tháng, tăng 45,5% so với tháng trước, tính chung trong Quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 50,5% so với tháng trước, tính chung Quý I tăng 22% so với cùng kỳ.

 Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm 3 tháng toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ (3 tháng năm 2021 tăng 6,44%). Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3, nhiều đường bay quốc tế được nối lại, khách quốc tế đến nước ta trong tháng tăng 2,2 lần so với cùng kỳ, tính chung Quý I tăng 89,13% so với cùng kỳ.

 Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước: ước thanh toán đến ngày 31/3/2022 là 61.536,08 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: vốn trong nước là 61.192,76 tỷ đồng (đạt 12,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 343,32 tỷ đồng (đạt 0,99% kế hoạch).

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; thị trường lao động phục hồi nhanh, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong Quý I năm 2022 giảm so với quý trước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Đối với tỉnh Thanh Hóa, Quý I năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực, trong đó: (1) Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế; tổ chức cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình và trọn vẹn. (2) Lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; trong nông nghiệp, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 7,4%, trứng gia cầm tăng 32,4%, sữa tươi tăng 17,6%; trong công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,69%, có 21/26 sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ; trong ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 11,9%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 14,9%, doanh thu vận tải tăng 14,1%; thành lập mới doanh nghiệp tăng 35,5%; tổng thu NSNN tăng 55%. (3) Đã khởi công, hoàn thành nhiều dự án lớn như: Tổ máy số 1 Nhiệt điện Nghi Sơn II; Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân; Nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, Trang trại Chăn nuôi gà công nghệ cao 4A tại xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân; Trang trại Chăn nuôi gà công nghệ cao 4A tại xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh. (4) Chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách sinh xã hội và cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. (5) An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá tình hình kinh tế – xã hội quý I; nêu lên nhiều vướng mắc, khó khăn và đề xuất các biện pháp, giải pháp nhằm đưa nền kinh tế phục hồi nhanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về tình hình triển khai đầu tư, xây dựng và chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông quan trọng Quốc gia gồm cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; Dự án Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; 03 dự án đường cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ

phát biểu kết luận tại Hội nghị (chinhphu.vn)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong 3 tháng qua, vượt qua những khó khăn, thách thức, Chính phủ và các địa phương đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực đạt được những chuyển biến rất tích cực, phục hồi mạnh mẽ. Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế – xã hội sẽ tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen, vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương cần sắp xếp, rà soát lại nguồn lực, tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử…, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh tốc độ phục hồi các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách; chú trọng công tác an sinh xã hội, tổ chức hình thức dạy học an toàn. Đặc biệt, các địa phương phải có giải pháp đảm bảo cung cầu lao động; chủ động đẩy mạnh cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận xã hội, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các dự án trọng điểm, nhất là giải phóng mặt bằng; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…/.

Bài viết liên quan